Hết tháng 1, 100 người giàu nhất thế giới đã bổ sung được thêm hàng chục tỷ USD vào số tài sản khổng lồ của họ. Cho thấy người giàu ngày càng giàu hơn.
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg, một trong những người kiếm được nhiều tiền nhất trong tuần cuối của tháng là Charoen Sirivadhanabhakdi. Người đàn ông giàu nhất Thái Lan đã giành được quyền kiểm soát tập đoàn Fraser & Neave (F&N) hôm 30/1 vừa qua, sau khi đa số cổ đông của công ty này bỏ phiếu thông qua đề xuất thu mua F&N với giá 11,2 tỷ USD của Charoen. Tài sản của ông hiện là 11,2 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ trong tuần.
Trong khi đó, tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập công ty Amazon.com, đã bị mất 1,7 tỷ USD trong tuần sau khi cổ phiếu của hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới giảm 6,7%. Trước đó, công ty này công bố doanh thu quý cuối cùng năm 2012 tăng được 22% lên 21,3 tỷ USD. Hiện tỷ phú Bezos sở hữu số tài sản trị giá 24,8 tỷ USD và đứng thứ 22 trên thế giới. Tài sản của ông tăng 1,2 tỷ USD từ đầu năm tới nay.
Trong khi đó, tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập công ty Amazon.com, đã bị mất 1,7 tỷ USD trong tuần sau khi cổ phiếu của hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới giảm 6,7%. Trước đó, công ty này công bố doanh thu quý cuối cùng năm 2012 tăng được 22% lên 21,3 tỷ USD. Hiện tỷ phú Bezos sở hữu số tài sản trị giá 24,8 tỷ USD và đứng thứ 22 trên thế giới. Tài sản của ông tăng 1,2 tỷ USD từ đầu năm tới nay.
"Ông trùm" viễn thông người Mexico, Carlos Slim, vẫn là người giàu nhất thế giới với tổng tài sản đạt 79,4 tỷ USD. Trong tuần, tài sản của ông đã được nới rộng thêm 1,1 tỷ USD. Đứng sau Carlos Slim là đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates, 57 tuổi. Tài sản ròng của Bill Gates hiện là 66,2 tỷ USD. Người giàu nhất châu Âu Amancio Ortega cũng là người giàu thứ 3 thế giới, với 57,4 tỷ USD.
Tỷ phú đứng thứ 4 thế giới về tài sản, theo thống kê của Bloomberg, là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, 82 tuổi. Hiện tài sản của ông thấp hơn so với người giàu thứ ba thế giới khoảng 4,9 tỷ USD.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh, trong đó đặc biệt là chỉ số S&P 500, đã mang lại nguồn lợi lớn cho các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đứng ở mức 1.498,11 điểm. Tính cả tháng đầu năm, chỉ số S&P 500 đã tăng được 5,1%, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 10 của hai năm trước. Đồng thời, đây cũng là tháng 1 giao dịch thuận lợi nhất của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 1/1997 tới nay (thời điểm đó, chỉ số S&P 500 đã đạt được mức tăng lên tới 6,1%).
Phiên giao dịch cuối tuần vừa kết thúc sáng sớm nay (2/2, theo giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 đã đảo chiều thành công khi tăng 15,06 điểm, tương ứng với mức 1,01%, lên 1.513,17 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2007 cho tới nay. Hiện tại, chỉ số S&P 500 chỉ còn cách mức đỉnh cao mọi thời đại (1.576,09 điểm) khoảng 60 điểm. S&P 500 rất có khả năng sẽ vượt qua ngưỡng này trong tương lai không xa.
Chưa hết, theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 252 công ty thuộc chỉ số này đã công bố báo cáo kinh doanh trong quý cuối cùng của năm 2012, có tới 69% đạt lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích, cao hơn mức trung bình trong vòng 4 quý gần nhất và mức trung bình từ 1994 tới nay.
Các số liệu phân tích mới nhất cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế đã đổ một lượng tiền lớn vào thị trường chứng khoán Mỹ, thông qua các quỹ tương hỗ, quỹ hoán đổi danh mục. Theo số liệu được công bố, nhà đầu tư đã đổ vào những quỹ này số tiền lên tới 12,7 tỷ USD trong tuần gần nhất. Sự đi lên của thị trường trong phiên 1/2 đã làm dịu những lo lắng của nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Nguồn 24h.com