Tiền bạc luôn là một vấn đề đau đầu nếu bạn chưa biết cách quản lý nó. Bài viết này mình chia sẻ kiến thức áp dụng 6 cái lọ tài chính sau khi học xong khóa học "Tư duy triệu phú" của Triệu phú T.Harv Eker. Bạn đừng chỉ có đọc thôi mà hãy vận dụng nó xem kết quả đi đến đâu rồi rút ra bài học cho bản thân. Tôi tin rằng bạn sẽ làm được.
Đầu tiên, bạn hãy chuẩn bị sáu cái Lọ (vật liệu do bạn tự chế hoặc mua) - ta gọi là 6 cái quỹ tài chính. Mỗi cái Lọ có tên và chức năng nhất định. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 cái lọ. Việc này cần làm ngay, tạo thành thói quen.
Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này.
- Nhu cầu thiết yếu – NEC: 55%
- Tiết kiệm dài hạn – LTSS: 10%
- Giáo dục đào tạo – EDUC: 10%
- Hưởng thụ – PLAY: 10%
- Cho đi – GIVE: 5%
- Quỹ tự do tài chính – FFA: 10%
Làm sao để luyện tập phương pháp JARS?
Nguyên tắc tắc áp dụng
- Vấn đề cho tiền vào các lọ này cần được thực hiện hàng ngày, tôi nói là HÀNG NGÀY. Nếu bạn làm hàng ngày nhưng số tiền chỉ tăng vào mỗi cuối tháng, tức là bạn đang chỉ làm công, ăn lương. Hãy tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập thụ động khác để bổ sung nguồn thu của mình mỗi ngày.
- Quỹ Hưởng thụ PLAY cần được tiêu dùng liên tục, nó phải hết vào mỗi cuối tháng. Nếu nó thừa tiền, bạn cần cân bằng lại cuộc sống của mình bằng cách nghĩ tới việc chăm sóc cho bản thân mình, nếu nó thiếu, bạn cần tập trung cho việc kiếm tiền của mình. Hãy nhớ việc hưởng thụ phải thực sự có chất lượng và giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, Ví Dụ: Trong quỹ PLAY của bạn có 2.000.000 đ nếu bạn đem số tiền đó đi mua quần áo thay vì bạn mua 10 cái mỗi cái chỉ 200.000 đ bạn hãy mua một bộ quần áo hàng hiệu có giá khoảng 2 triệu lúc này cảm xúc của bạn thật sự hạnh phúc thay vì chỉ mua những bộ quần áo giá rẻ kia.
- Quỹ tự do tài chính FFA, bạn không bao giờ được tiêu tiền trong quỹ này, chỉ dùng nó để đầu tư tạo ra thu nhập thụ động.
Quỹ NEC giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống. Bạn dùng quỹ NEC để ăn uống, sinh hoạt; vui chơi, giải trí, mua sắm và các chi phí khác.
Xin lưu ý: Nếu hiện tại quỹ NEC của bạn ở mức trên 80% thu nhập, bạn cần tăng cường thêm nguồn thu nhập hay cắt giảm chi phí để đạt được tự do tài chính.
Bạn cần quỹ LTS vì điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà là bạn giữ được bao nhiêu. Bạn sử dụng quỹ cho những mục tiêu lâu dài, thực hiện những ước mơ của bạn.
Xin lưu ý: quỹ này không phải là tiết kiệm tiền dành cho khi khó khăn.
Bạn cần quỹ EDUC để rèn luyện phát triển bản thân mỗi ngày. Đầu tư tốt nhất là đầu tư vào việc học; “tầm vóc” của bạn càng lớn, bạn càng hấp dẫn được những thứ lớn, cho dù đó là tiền tài, danh vọng hay hạnh phúc. Bạn dùng quỹ EDUC để mua sách, đọc sách phát triển bản thân mỗi ngày; tham gia các khóa học, đào tạo, diễn thuyết; hay gặp gỡ, giao lưu để học hỏi từ những những người thành công.
Quỹ PLAY để bạn chăm sóc cái tôi hưởng thụ của bản thân. Quỹ này giúp bạn thể hiện sự yêu quý bản thân; hưởng cảm giác của người thành công; làm những việc như người giàu và tăng cường khả năng đón nhận. Bạn sử dụng quỹ PLAY để làm những việc khiến cho bạn có cảm giác như người giàu: đến những nơi chưa từng đến, ăn những món chưa từng ăn. Mỗi tháng, vào ngày cuối cùng của tháng, bạn phải tiêu hết số tiền trong quỹ này.
Quỹ GIVE để giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Cuộc sống còn là sẻ chia, bạn cho đi để nhận lại nhiều hơn. Bạn dùng quỹ GIVE để làm từ thiện; giúp đỡ người thân; gia đình, bè bạn.
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Bạn cần lập quỹ FFA để có tiền làm việc thay cho bạn. Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng” đẻ trứng vàng để bạn sử dụng khi không còn làm việc. Bạn chỉ được dùng quỹ này để đầu tư và tạo ra thu nhập thụ động. Càng nhiều tiền làm việc cho bạn, bạn sẽ càng ít phải làm việc hơn.
Xin lưu ý: không bao giờ được ăn thịt con ngỗng!
– Bạn hãy dành ra thời gian để ngồi tình toán lại tiền bạc cá nhân của chính mình.
– Đầu tiên bạn hãy ghi ra số tiền mà bạn sẽ có mỗi tháng là bao nhiêu, rồi chia đều cho các tài khoản theo tỷ lệ nêu trên.
-Không quan trọng là số tiền bạn chuyển bao nhiêu, quan trọng là thói quen hàng ngày, Thói quen quan trọng hơn số tiền. Thậm chí 1000 đ một ngày cũng được, Nếu trong tay bạn không hề có đồng tiền nào thì cũng phải tuân thủ nguyên tắc trên, Khi bạn không có tiền để chia lúc đó bạn sẽ thấy sự đau khổ và bạn sẽ có động lực để kiếm tiền hơn.
Với 6 lọ tài chính như vậy sẽ giúp bạn quản lý tốt tiền bạc của mình. Điều quan trọng là bạn phải kiên trì, dù túng thiếu cũng không được lấy tiền ở lọ FFA. Sau này có thể 10 năm, 20 năm bạn sẽ thấy sự lớn mạnh của 6 lọ này. Chúc bạn sẽ làm được cho đến cùng. Tôi tin bạn!